Thông tin liên quan đến hệ sinh thái của MCM

  • 30/3/2022: MCM tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022
  • GTN sắp sửa hủy niêm yết trên HoSE để sáp nhập vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (Vilico, VLC) trong tháng 3/2022. Ngày giao dịch cuối cùng của GTN là 7/3/2022.
  • Trong năm 2021, cơ cấu cổ đông của MCM có sự thay đổi. Trong đó, VLC giảm sở hữu từ 51% về còn 32,52% vốn điều lệ; đồng thời GTN tăng sở hữu từ 0% lên 26,78% vốn điều lệ; VNM đã nâng sở hữu từ 0% lên 8,85% vốn điều lệ và còn lại 31,85% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Về MCM

  • Trong quý IV/2021, MCM ghi nhận doanh thu đạt 718,96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 87,73 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,5% và 21,8% so với cùng kỳ. Nếu tính tổng cả năm 2021, LNST đạt 319,112 tỷ, tăng 13,7% so với cả năm 2020.
  • Nguyên nhân của việc tăng tích cực là nhờ các yếu tố:
    1. Doanh thu bán hàng duy trì tăng trưởng dương
    2. Doanh thu tài chính tăng nhờ số dư tiền gửi ngân hàng dồi dào
    3. Cơ cấu chi phí vận hành tiếp tục được tối ưu, duy trì ổn định
  • Đặc biệt, trong Q4/21, khi so với Q3/21, ta thấy 1 vài điểm tích cực như sau:
    1. Khoản phải thu ngắn hạn của KH giảm từ 226,6 tỷ còn 178,4 tỷ
    2. Hàng tồn kho giảm từ 207 tỷ còn 194 tỷ. Hàng tồn kho dưới dạng nguyên vật liệu giảm từ 166 tỷ còn 143 tỷ, nhưng hàng tồn kho dạng thành phẩm tăng từ 18,7 tỷ lên 29,4 tỷ
    3. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng từ 91,7 tỷ lên 102,1 tỷ

Những giá trị trên phản ánh điều gì?

  • Khoản phải thu giảm thể hiện lượng tiền của MCM đã được thu hồi lại, không bị tồn đọng trong tay các chủ thể khác. Mặc dù chủ thể phải thu dạng tổ chức tỉ trọng cao của MCM là VNM, thời gian thu hồi là 50 ngày.
  • Hàng tồn kho nguyên vật liệu giảm nhưng hàng tồn kho dạng thành phẩm tăng thể hiện quá trình sản xuất của MCM lưu chuyển ổn định, không bị dồn ứ, dự phóng đầu ra thị trường khả quan, đồng thời dự báo tiềm năng lợi nhuận khi lượng thành phẩm đó bán thành công đến tay người tiêu dùng.
  • Về khoản “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang”, việc tăng đến từ đầu tư vào hệ thống thanh trùng từ 4,8 tỷ trong Q3/21 lên 11 tỷ trong Q4/21. Cùng với đó, các hạng mục “máy rót A3” và “các công trình khác” đều tăng. Các khoản này thể hiện MCM đang có kế hoạch mở rộng thị phần, từ đó tăng sản lượng, doanh thu và lợi nhuận. Tất nhiên, quá trình này sẽ diễn ra trên dưới 2 năm nhưng với sự hậu thuẫn từ VNM, MCM được kì vọng sẽ có những bước chuyển biến tích cực.

 

Điểm nhấn doanh nghiệp:

  • Mở rộng dây chuyền sản xuất và đầu tư thêm nhà máy: Với việc đầu tư 130 tỷ vào dây chuyền sản xuất mới, MCM công suất sẽ tăng 20%, phục vụ tối ưu việc mở rộng thị phần của MCM. Dự án nhà máy sữa Mộc Châu 2 với diện tích 25 ha công suất gấp 4 lần nhà máy cũ cũng đang được lên kế hoạch xây dựng nhanh chóng, kì vọng sẽ đi vào hoạt động vào 2025.
  • Gia tăng quy mô đàn bò & sản lượng sữa: Trong Q3/2021, MCM lên kế hoạch tiến hành cải tạo nâng cấp đàn bò từ 1,500 con lên 2,000 con. Bên cạnh đó, MCM cũng triển khai xây dựng một trang trại mới với quy mô lớn 4,000 con với thời gian hoàn thành khoảng 3 năm. 
  • Dự án trang trại du lịch – bò sữa công nghệ cao “Thiên đường bò sữa” với quy mô 170 ha kết hợp nông trại bò sữa 4000 con để khai thác du lịch với mục tiêu đưa hình ảnh du lịch Mộc Châu nâng tầm thế giới. Đây là mô hình du lịch khá mới mẻ ở Việt Nam và giàu tiềm năng khai thác. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

 

Rủi ro giao dịch:

MCM là một mã cổ phiếu có thanh khoản thấp, hiện đang giao dịch trên Upcom, không dùng margin được. MCM phù hợp với chiến lược tích sản, mua tích lũy dần đều theo thời gian. Quý NĐT hạn chế lướt sóng hoặc giao dịch ngắn hạn với nhóm mã này. 

 

Quý Nguyễn